Bệnh Parvo virus ở chó là một trong những căn bệnh nguy hiểm bậc nhất được biết đến với tỉ lệ tử vong rất cao và gây lo lắng cho rất nhiều người nuôi cún cưng hiện nay.
Vậy Parvo virus là bệnh gì, mức độ nguy hiểm ra sao, nguyên nhân từ đâu và cách chữa bệnh Parvo virus như thế nào? Hãy cùng mbvethue.com tìm hiểu nhé.
Dấu hiệu tiêu chảy lẫn máu trên chó đốm
Nguyên nhân bệnh Parvo Virus ở chó.
Virus Parvo ở chó
Bệnh Parvo ở chó được gây ra bởi loại virus cùng tên thuộc họ Parvoviridae.Loại Parvovirus ở chó phát triển thuận lợi nhất ở điều kiện nhiệt độ cao, thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều,…Có hai thể virus phổ biến đã được phát hiện là CPV1 và CPV2, trong đó, virus chủ yếu gây bệnh Parvo ở chó chính là CPV2. CPV2 được phát hiện vào năm 1976 trên một số con chó ở Châu Âu.
Từ khi vaccine được tìm thấy, số lượng tử vong do virus Parvo ở chó được kìm hãm và giảm dần so với thảm họa dịch Parvo virus vào những năm 70 ở Châu Âu.
Do đó, tiêm phòng cho chó luôn là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong cộng đồng nuôi thú cưng để bảo vệ sức khỏe cho người bạn của chúng ta.
Test nhanh bênh Parvovirus ( CPV) kết quả Dương tính
Con đường truyền bệnh Virus Parvo ở chó?
Bệnh Virus Parvo ở chó lây truyền chủ yếu qua con đường tiếp xúc miệng với các vật thể chứa mầm bệnh bao gồm tiếp xúc miệng với chó bị Virus Parvo.
Quá trình xâm nhập của virus Parvo ở chó như sau:
Đầu tiên, chó của bạn có thể tiếp xúc với chất thải chứa Virus Parvo như phân hoặc đất có mầm bệnh.
Sau đó, Parvovirus ở chó sẽ đi vào cơ thể theo đường miệng và bắt đầu quá trình nhân lên trong cổ họng ở các mô bạch huyết rồi đi vào trong máu đến các mô tế bào sinh trưởng khác như mô cơ tim, các mô ở đường ruột đặc biệt là tủy xương.
Parvovirus ở chó thường chọn ruột làm nơi cư trú để dịch mã, nhân bản nhằm sinh sôi nảy nở gây các bệnh như nhiễm khuẩn huyết dẫn đến nhiễm trùng huyết tạo điều kiện xâm nhập cho một số loại vi khuẩn đường ruột khác gồm Clostridium, Salmonella hay Campylobacter.
Những con chó bị nhiễm CPV thường sẽ có các nguy cơ cao tử vong do các bệnh cơ hội gây ra bởi các vi khuẩn, hay giun ký sinh đường ruột.
Những căn bệnh nội tạng, do sự tăng sinh ở đường ruột chèn ép các cơ quan khác cũng rất dễ diễn ra.
3-4 ngày sau khi bệnh Virus Parvo ở chó hoành hành, virus Parvo ở chó sẽ bị thải ra theo đường bài tiết của vật chủ và tồn tại trong phân khá lâu, thời gian cư ngụ tối đa của chúng là 3 tuần sau đó.
Xuất huyết đường ruột tiêu chảy lẫn máu
Đối tượng lây truyền của Parvovirus ở chó?
Có phải Parvovirus ở chó có thể gây nhiễm trên mọi độ tuổi và tất cả các giống chó hay không?
Đúng vậy, virus Parvo ở chó, CPV2 có thể lây truyền cho bất kỳ loại chó nào dù là con non hay là trưởng thành.
Tuy nhiên, đối tượng thuận lợi nhất cho virus xâm nhập chính là chó con từ 1-12 tháng tuổi đặc biệt là những bạn cún chưa được tiêm phòng với tỉ lệ tử vong từ 90-100%.
Chó trưởng thành thì cũng rất có khả năng nhiễm bệnh những khả năng chết do bệnh thường thấp hơn.
Đối tượng lây truyền virus Parvo ở chó không chỉ dừng lại ở độ tuổi, bệnh còn tập trung vào một số giống chó ngoại nhập phổ biến như Rottweiler, Pitbull hay Doberman Pinscher.
Bạn cún đang được điều trị tại MB Vet
Dấu hiệu bệnh Parvo ở chó:
Bệnh Parvo ở chó thường tác động đến một số cơ quan nhất định dưới đây và có một số triệu chứng đặc trưng cho từng trường hợp
Chó bị Parvo dạng viêm ruột
Hình ảnh bạn cún lo lắng khi bị bệnh
Viêm đường ruột là một trong những triệu chứng thường xuyên và phổ biến của bất kỳ chú chó bị Parvo nào.
Bệnh Parvo ở chó trước tiên sẽ biểu hiện qua những cơn sốt cao kéo dài suốt vài giờ đồng hồ từ 40-41 độ C.
Điều này khiến cho chó của chúng ta trở nên ít hoạt bát hơn thường ngày, lười di chuyển và nhất quyết nằm lỳ ở một góc nhà.
Chó bị Parvo, do sự xâm nhập phá hủy bạch cầu của virus, sẽ trở nên rất yếu ớt và biếng ăn.
Trước những tình trạng bất thường này, hãy cố gắng quan tâm đến chú chó của mình hơn một chút, và theo dõi những diễn biến bệnh sau đó của cún cưng để có thể khẳng định liệu đó có phải là bệnh Parvo ở chó hay không và đưa chúng đi khám thú y kịp thời.
Parvovirus xâm nhập không chỉ phá hoại đơn thuần bạch cầu, chúng tàn phá cực độ đến niêm mạc thành dạ dày và ruột non của chó.
Từ đó, hệ tiêu hóa vật nuôi dần trở nên rối loạn và có xu hướng đào thải bất kỳ loại thức ăn nào đi vào cơ thể chúng gây ra tình trạng chó bị nôn mửa kèm dịch vàng.
Dịch vàng này chính là dịch tiêu hóa, có thể là dịch mật hoặc dịch ruột được tiết ra nhưng lại trào ngược lên dạ dày gây hiện tượng kích ứng và đào thải nó ra khỏi cơ thể.
Màu phân của chó cũng là một trong những dấu hiệu bạn có thể nhận diện bệnh Parvo ở chó.
Phân chó có thể có màu đen hoặc nâu sẫm, hình dạng bất thường. Trường hợp đi phân lỏng, kèm theo phân còn có thể có dịch nhầy và máu.
Máu trong phân chính là biểu hiện của tình trạng viêm nhiễm đường ruột, niêm mạc dạ dày và ruột non bị bong tróc, hoại tử khiến cho dịch nôn và phân bốc mùi tanh khắm rất khó chịu.
Chó bị Parvo dạng viêm ruột kết hợp
Hội chứng viêm ruột kết hợp (SIRS) là một trường hợp gây tử vong nhanh nhất của bệnh Parvo ở chó do sự xâm nhập cơ hội đồng thời của Parvovirus và các loại khuẩn ký sinh khác có thể kể đến như Salmonella, Campylobacter hoặc E.coli.
Parvovirus phá hoại hệ bạch cầu khiến hệ miễn dịch yếu dần tạo điều kiện thuận lợi cho các khuẩn trên gây nhiễm trùng thứ cấp.
Những triệu chứng diễn ra sẽ rất nhanh đột ngột chỉ trong vòng từ 1-2 ngày sau nhiễm bệnh như tiêu chảy nặng, tăng đông máu gây suy tim, hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS),…
Đa số bệnh Parvo ở chó không chết do con virus đơn thuần mà 80-90% tử vong do hội chứng SIRS.
Chó bị Parvo thể cơ tim
Chó bị Parvo trong độ tuổi từ 4-8 tuần tuổi rất dễ bị suy tim cấp tính do sự xâm nhập bất thường, đột ngột của Parvovirus làm hoại tử tim của những chú cún con.
Đây được cho là trường hợp hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm khi gây đột tử cho con vật mà chưa có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào thực sự rõ ràng.
Cách chữa bệnh Parvo ở chó
Chữa bệnh Parvo ở chó:
Việc chữa bệnh Parvo ở chó hiện nay vẫn chưa có thuốc trị chuyên biệt cho nên những phương pháp y học bây giờ chỉ tập trung vào việc điều trị các triệu chứng giúp giảm tỷ lệ tử vong cùng nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp nhằm tăng tỷ lệ sống cho chó.
Khi chó có các dấu hiệu lâm sàng của bệnh Parvo, bạn cần phải cách ly chó ngay lập tức để tránh việc lây lan của Parvovirus ở chó đến những con vật khác trong nhà và thực hiện khử trùng những nơi chó bị Parvo đã tiếp xúc qua.
Để chữa bệnh Parvo ở chó, những điều sau đây là việc bạn nên làm để cấp cứu tạm thời cho các bé trường hợp chưa thể liên lạc với các bác sĩ thú y.
Đầu tiên, điều quan trọng cần làm khi chó có các dấu hiệu tiêu chảy và nôn ra thức ăn là bạn phải ngừng cho ăn ngay lập tức trong vòng 24 giờ đồng hồ để quan sát tình hình sau đó xem liệu chó có bất kỳ dấu hiệu hồi phục nào hay không.
Tiếp theo, vì bệnh Parvo ở chó gây nôn và tiêu chảy sẽ khiến hiện tượng mất nước, vitamin và muối khoáng diễn ra, do đó bạn cần phải cấp nước ngay bằng biện pháp truyền tĩnh mạch có chứa các chất điện giải cần thiết (natri, kali) để kịp thời bổ sung năng lượng cho chó.
Các dung dịch thông dụng thường được sử dụng là nước muối sinh lý natri clorid 0,9%, Glucose 0,5% hay kali clorid 10% giúp cân bằng điện giải và áp suất thẩm thấu của dịch cơ thể với liều lượng vừa phải 50ml/kg thể trọng, tốc độ truyền 50 giọt/phút,( được chỉ định bác sĩ thú y)
Sau khi truyền, nếu chó chưa có dấu hiệu bình phục và tỉnh táo lại thì nên tiếp tục truyền với liều lượng như trên.
Lưu ý, nếu chó có các dấu hiệu của tim đập nhanh, nhịp thở yếu dần, rên ư ử thì bạn nên mang em đến thú y ngay để có những biện pháp cứu chữa kịp thời.
Tuy rằng việc tiêm truyền không thể chữa bệnh Parvo ở chó hoàn toàn nhưng đó là một bước đi cần thiết trong phác đồ điều trị của bác sĩ thú y nào giúp tăng thời gian chống chọi bệnh dịch của chó.
Thêm vào đó, do virus xâm nhập vào hệ thống ruột gây nhiễm khuẩn tạo điều kiện xâm nhập cho các vi khuẩn gây bệnh, để chống bội nhiễm kế phát, các liều thuốc kháng sinh như metronidazol hoặc cephalosporin sẽ được bác sĩ kê đơn giúp tăng sức đề kháng cho chó.
Đối với những ca bệnh nặng, tiêu chảy có kèm máu do niêm mạc tiêu hóa bị bong tróc, bạn nên sử dụng các loại thuốc có chứa Vitamin K hoặc transamin 250mg để giúp con vật cầm máu.
Ngoài ra, nếu niêm mạc ruột tổn thương quá nghiêm trọng khiến chó nôn nhiều lần, bạn có thể dùng một số liều thuốc cầm nôn để can thiệp như atropin sunphat hoặc tiêm ven cimetidine theo lời khuyên của bác sĩ.
Cách chăm sóc chó bị Parvo
Ngoài việc chữa bệnh Parvo ở chó theo các triệu chứng lâm sàng, việc chăm sóc cún cưng trong suốt quá trình điều trị cũng góp một phần không nhỏ trong việc giúp tỉ lệ sống sót của chó bị Parvo nâng cao.
Trong quá trình điều trị
- Vệ sinh nơi ở của chó:Bệnh Parvo ở chó gây nôn mửa và tiêu chảy liên tục do đó việc vệ sinh chuồng nuôi cách ly chó ngay lập tức nhằm tránh phân và các chất thải bám vào lông khiến việc tái xâm nhập của virus diễn ra.
- Khử trùng các vật dụng của chó:Các vật dụng của chó nhiễm bệnh cần phải được khử trùng đúng cách bằng các dung dịch chuyên dụng như Cloramin B.
- Luôn giữ nhiệt độ xung quanh phù hợp:Khu vực điều trị của thú cưng cần phải ở một nhiệt độ phù hợp, không quá lạnh cũng không quá nóng giúp cho việc điều trị trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn, tránh tình trạng sốc nhiệt diễn ra gây tử vong.
Sau khi hồi phục
Được chủ đưa đến MB Vet Tiêm Vaccine
Khi chó đã có dấu hiệu bình phục trở lại như thèm ăn, đi lại bình thường, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, bạn còn cần phải lưu ý đến kế hoạch cho ăn cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp chúng khỏe mạnh nhanh chóng hơn.
Do cơ thể chó vừa mới lại sức, bụng chó vẫn còn rất yếu, chưa thể tiêu hóa được các đại phân tử như protein (đạm thịt), bạn chỉ nên cho chó dùng nước cháo loãng trong khoảng từ 2-3 ngày.
Tiếp theo, bạn có thể bổ sung thêm một số rau củ nghiền nhỏ cùng với cháo giúp cho chó ăn uống ngon miệng hơn và có nhiều năng lượng hơn nhờ thực đơn thay đổi linh hoạt cùng nhiều dưỡng chất khác nhau.
Sau khoảng 1 tuần cho ăn, khi dạ dày và ruột của chó đã hồi phục, không còn dấu hiệu của sự viêm loét nhiễm trùng, bạn đã có thể thêm vào cháo các loại protein băm nhỏ như thịt heo, bò, gà xay, hoặc trứng cùng cháo loãng giúp bao tử của chó có thể thích nghi từ từ với việc tiêu hóa các đại phân tử.
Một lưu ý nho nhỏ cuối cùng, do hệ tiêu hóa của các bé vẫn rất dễ kích ứng cho nên chế độ ăn cho các bé cún này tối kỵ nhất là các loại chiên xào, dầu mỡ vì các loại này gây khó tiêu cũng như rất có hại đối với bao tử của chó.
Cách phòng bệnh Parvo ở chó
Để ngăn ngừa bệnh Parvo ở chó, bạn nên cho cún cưng của mình đi tiêm phòng vacxin ngay khi chó con vừa được 6-7 tuần tuổi.
Sau đó 21 ngày, bạn nên cho chó đi tiêm nhắc lại vacxin nhằm củng cố hệ miễn dịch cho bé.
Các vacxin về bệnh Parvo cần phải được tiêm định kỳ 1 hoặc 2 năm một lần tùy vào điều kiện kinh tế của bạn giúp chó ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Nhìn chung, bệnh Parvo ở chó luôn cần phải được lưu ý và đề phòng bởi người nuôi thú cưng. Bạn cần phải quan tâm đến lịch chủng ngừa định kỳ và chế độ dinh dưỡng của bé ngay từ khi còn nhỏ để chuẩn bị cho bé một sức đề kháng hoàn hảo nhất.
Thêm vào đó, các ca bệnh Parvo tuy chưa có thuốc đặc trị dứt điểm nhưng khả năng sống sót vẫn có thể xảy ra tùy vào mức độ đề kháng của chó cũng như việc điều trị của bác sĩ thú y.
Dựa vào việc chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ chữa trị phù hợp cũng như cho bạn lời khuyên đúng đắn để nâng cao tỉ lệ sống của cún cưng.
Do đó, khi phát hiện em ấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, hãy đưa bé đến trung tâm thú y gần nhất, đồng thời chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đồng hành chăm sóc cho bé kỹ lưỡng suốt thời gian bé nằm bệnh nhé.